Dòng xe Polestar nhắm tới những người đam mê tốc độ nhưng đồng thời cũng quan tâm tới việc giữ gìn an toàn môi trường mình đang sinh sống.
Hiện tại, số thương hiệu ô tô nhắm tới phân khúc xe xanh hiệu suất cao chỉ đếm trên đầu ngón tay, đó là BMW i – thương hiệu con của BMW và Tesla. Mẫu xe đầu tiên của Polestar là Polestar 1 (P1) lại là dòng xe đầu tiên khai mở "cánh cửa" coupe 2+2 hybrid sạc điện trong phân khúc đó.
Hứa hẹn mang lại công suất vượt trội ở mức 600 mã lực, mô-men xoắn không tưởng 1.000 Nm và tầm hoạt động 150 km không cần xăng, các thông số của P1 không hề tồi khi so sánh với các đối thủ. Lấy ví dụ là siêu xe i8 PHEV của BMW: 362 mã lực, 570 Nm và 40 km, những con số của dòng xe này kém khá xa người đàn em sinh sau đẻ muộn.
Polestar 1 – mẫu xe tiên phong tới từ thương hiệu Thụy Điển.
Ông Thomas Ingenlath, Giám đốc phụ trách mảng thiết kế của Volvo và từ mùa hè vừa rồi kiêm nhiệm luôn vị trí Giám đốc điều hành của Polestar nhấn mạnh tại triển lãm LA Auto Show vừa rồi rằng P1, ngoài việc là dòng xe đầu tiên của thương hiệu mới này, còn là dòng xe mạnh nhất từng được lắp ráp tại Trung Quốc. Các dây chuyền sản xuất P1 sẽ khởi động vào nửa đầu năm 2019 tại nhà máy mới của Volvo ở Chengdu.
Nói thì nói vậy nhưng về doanh số, chắc chắn Tesla hay BMW i sẽ không thể cảm thấy bị đe dọa bởi P1, đơn giản bởi dù mạnh mẽ và có thiết kế khá đẹp (xét theo những gì Volvo đã công bố), sẽ chỉ có 500 chiếc được sản xuất mỗi năm.
Lý do chính tới từ việc dòng xe này rất khó lắp ráp. Khung thân xe được chế tạo từ sợi carbon và phải được gắn kết một cách hoàn hảo với phiên bản thu gọn của khung gầm thép trên dòng sedan S90. Giá xe vì thế cũng không hề rẻ, dao động từ 150.000 tới 174.000 USD/chiếc. Trong khi đó, doanh số thường niên của BMW i và Tesla đều được dự đoán đạt mốc 100.000 chiếc bắt đầu từ năm nay.
Vị tân CEO Polestar cho biết hãng sẽ đi vào lắp ráp P1 từ 2019.
Do đó, Polestar cần một lời giải khác, đó chính là chiếc Polestar 2 (P2). Hãng sẽ nhắm tới phân khúc phổ thông của dòng xe xanh hiệu suất cao nơi hiện giờ gần như chỉ có chiếc Model 3 hiện diện (và phần nào đó có thể tính cả Model X crossover). Thuộc phân khúc sedan cỡ nhỏ chạy điện thuần, P2 dự kiến ra mắt vào cuối năm 2019 và có thể lắp ráp dễ dàng hơn rất nhiều bởi sử dụng khung gầm CMA (tương tự XC40 và Lynk & Co 1) do Volvo và Geely hợp tác phát triển.
Tới năm 2021, Polestar sẽ nhắm tới dòng Tesla Model X với Polestar 3 (P3), một dòng xe crossover mui trần chạy điện thuần hoàn toàn mới sử dụng khung gầm SPA thế hệ thứ 2 (thế hệ đầu đang có mặt trên S90, XC60/90, V90).
Một cách khác để Polestar tách biệt mình ra với các đối thủ tới từ cách mà họ chọn bán xe. Ngoài 2 phương pháp truyền thống là bán xe và cho khách hàng thuê xe (với 2 khoản trả tách biệt khi nhận và hoàn trả xe), hãng còn cho phép người dùng đăng ký sử dụng xe online với mức phí cố định hàng tháng. Mọi dịch vụ như phí bảo dưỡng bảo trì, thuế, bảo hiểm, phí đỗ xe... sẽ nằm hết trong mức phí cố định mà bạn đã trả và sẽ không có thêm chi phí phát sinh trừ khi bạn cần cá nhân hóa xe.
Polestar/Volvo đã phát triển một hệ thống đăng ký thuê xe online khá tiện lợi.
Thậm chí ngay cả công đoạn này cũng có thể thực hiện online thông qua ứng dụng smartphone, chỉ cần lựa chọn những gì mình cần (chẳng hạn như thùng để đồ tạm thời gá trên trần xe), kỹ thuật viên của Polestar/Volvo sẽ lắp đặt tận nơi cho bạn. Ngoài ra, lựa chọn cách "thuê" xe này cũng cho phép khách hàng chia sẻ quyền sử dụng xe với người thân hoặc gia đình ở xa một cách dễ dàng bằng công nghệ sử dụng smartphone thay thế chìa khóa xe.
Nói thì nói vậy, Polestar cũng cho biết sẽ mở khoảng 80 "Studio" trên toàn cầu (bên cạnh hệ thống đại lý truyền thống) với mục đích chính là cho khách hàng trải nghiệm tận tay, tận mắt các dòng xe của hãng cũng như các phiên bản đặc biệt mà họ nâng cấp lên từ Volvo (chẳng hạn như 2 dòng S60 và V60 Polestar World Champion Edition mới ra mắt).